Quy định thời gian giao dịch chứng khoán

Ba sàn HoSE, HNX và UPCoM đều giao dịch từ thứ Hai đến thứ Sáu, trừ dịp lễ Tết theo quy định.

Các sàn bắt đầu giao dịch từ 9h (trừ sản phẩm hợp đồng tương lai giao dịch từ 8h45), nghỉ trưa từ 11h30 đến 13h và đóng cửa lúc 15h.

Tuy nhiên, nhà đầu tư có thể đặt lệnh khi sàn chưa mở cửa. Trong trường hợp này lệnh sẽ ở trạng thái “chờ gửi”, sau đó có giá trị suốt thời gian giao dịch. Các lệnh đặt trong buổi sáng chưa khớp, khớp một phần và chưa huỷ thì sẽ tiếp tục có hiệu lực trong các đợt khớp lệnh buổi chiều.

Thời gian giao dịch cụ thể như sau:

Quy định thời gian giao dịch chứng khoán

Tại HoSE, 15 phút đầu tiên là phiên khớp lệnh định kỳ xác định giá mở cửa (ATO), được thực hiện trên cơ sở so khớp các lệnh mua và bán tại một thời điểm nhất định. Giá thực hiện là giá có khối lượng giao dịch lớn nhất. Nhà đầu tư không được huỷ hay sửa lệnh trong khung giờ này.

Sau đó đến 14h30 là thời gian khớp lệnh liên tục, thực hiện theo nguyên tắc so khớp lệnh mua và bán ngay khi đưa vào hệ thống giao dịch thay vì cộng dồn và chờ đến một thời điểm nhất định. Các lệnh có mức giá tốt nhất (mua cao, bán thấp) được ưu tiên thực hiện trước.

14h30 đến 14h45 là phiên khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa (ATC) với nguyên tắc tương tự ATO. 15 phút cuối phiên là thời gian dành riêng cho các giao dịch thoả thuận dù trước đó nhà đầu tư vẫn được mua bán thoả thuận.

Bảng giá Công ty Chứng khoán DNSE.

Bảng giá Công ty Chứng khoán DNSE.

HNX không có phiên ATO nên ngay khi mở cửa giá sẽ được khớp liên tục. Từ 14h30 đến 14h45 là phiên ATC. 15 phút còn lại là phiên khớp lệnh sau giờ theo nguyên tắc mua hoặc bán chứng khoán tại giá đóng cửa.

UPCoM chỉ có phương thức khớp lệnh định kỳ suốt phiên từ 9h đến 15h, trừ giờ nghỉ trưa.

Biên độ giao dịch cổ phiếu trên các sàn chứng khoán

Biên độ giao dịch giá của cổ phiếu yết trên sàn HoSE là 7%, thấp nhất so với hai sàn còn lại.

Khi giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán, nhà đầu tư sẽ đọc thấy các khái niệm giá tham chiếu, giá trần, giá sàn.

Ở đây, giá tham chiếu của cổ phiếu được xác định là giá đóng cửa của ngày giao dịch gần nhất trước đó.

Còn giá tham chiếu của cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM là trung bình cộng của các mức giá giao dịch lô chẵn theo phương thức khớp lệnh trong ngày gần nhất trước đó.

Khi cổ phiếu giao dịch trong phiên, giá trần là giá cao nhất được phép giao dịch, bằng Giá tham thiếu x (100% + Biên độ dao động). Giá sàn (giá thấp nhất) được xác định bằng Giá tham chiếu x (100% – Biên độ dao động).

Còn dưới đây là quy định về biên độ giá cổ phiếu giao dịch tại ba sàn (so với giá tham chiếu).

Biên độ giá HoSE HNX UpCOM
Cổ phiếu trong ngày 7% 10% 15%
Cổ phiếu mới niêm yết trong ngày đầu tiên hoặc được giao dịch trở lại sau khi bị tạm ngừng giao dịch trên 25 ngày 20% 30% 40%
Cổ phiếu trong ngày giao dịch không hưởng quyền để trả cổ tức hoặc thưởng bằng cổ phiếu quỹ cho cổ đông hiện hữu 20% 30% 40%

Một số trường hợp khác là cổ phiếu chuyển giao dịch từ sàn này sang sàn khác. Lấy ví dụ, khi chuyển giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HoSE sang HNX, giá tham chiếu cho ngày giao dịch đầu tiên tại HNX là mức giá đóng cửa tại HoSE trong ngày giao dịch cuối cùng và bước giá sẽ được làm tròn lên 100 đồng gần nhất.

Biên độ dao động giá cho ngày giao dịch đầu tiên đối với cổ phiếu chuyển sàn sang HNX cũng được áp dụng như đối với các cổ phiếu đang niêm yết tại HNX là 10%.

Giá tham chiếu

Giá tham chiếu là giá đóng cửa của ngày giao dịch gần nhất trước đó.

Ví dụ, cổ phiếu HPG đóng cửa ngày thứ Năm (17/6/2021) tại 51.400 đồng thì đây là giá tham chiếu ngày tiếp theo – thứ Sáu (18/6/2021).

Mức giá này còn là cơ sở tính giá cao nhất (giá trần) và giá thấp nhất (giá sàn) trong ngày giao dịch đó. Vì HPG đang niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM nên biên độ dao động giá tối đa là 7% mỗi phiên, từ đó suy ra giá trần ngày 18/6 là 54.900 đồng và giá sàn là 47.850 đồng.

Giá tham chiếu tại ngày giao dịch không hưởng quyền (tức ngày giao dịch mà cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng và chứng chỉ quỹ ETF không được hưởng cổ tức hoặc các quyền kèm theo) được xác định theo nguyên tắc lấy giá đóng cửa ngày gần nhất để điều chỉnh theo giá trị cổ tức hoặc giá trị các quyền.

Trong một số phiên gặp sự cố không xác định được giá đóng cửa, tổ chức vận hành thị trường (Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM và Hà Nội) có thể áp dụng phương thức xác định giá tham chiếu khác khi có sự chấp thuận của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. Điển hình như phiên 1/6/2021, khi Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM tạm ngừng giao dịch buổi chiều để tránh sự cố thì giá khớp lệnh cuối cùng trong buổi sáng là giá đóng cửa ngày hôm đó. Vì vậy, giá tham chiếu ngày hôm sau được tính theo mức này.

Khác với HoSE và HNX, giá tham chiếu của cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM là trung bình cộng của các mức giá giao dịch lô chẵn theo phương thức khớp lệnh trong ngày gần nhất trước đó.

Giao dịch thoả thuận và khớp lệnh chứng khoán

Ba sàn chứng khoán ở Việt Nam (HoSE, HNX và UPCoM) đều có hai phương thức giao dịch là thoả thuận và khớp lệnh. Trong đó, khớp lệnh được chia thành khớp lệnh định kỳ và khớp lệnh liên tục.

Giao dịch thoả thuận là phương thức bên mua và bán tự thoả thuận các điều kiện giao dịch như giá, khối lượng, hình thức thanh toán rồi thông báo cho công ty chứng khoán của hai bên. Trong trường hợp nhà đầu tư muốn giao dịch thoả thuận nhưng chưa xác định đối tác thì có thể liên hệ với công ty chứng khoán để được nhập lệnh chào mua hoặc chào bán. Khi tìm được đối tác và đạt thoả thuận, công ty chứng khoán sẽ đại diện nhà đầu tư giao dịch.

Giao dịch thoả thuận được thực hiện suốt phiên, trừ giờ nghỉ trưa. Lệnh thoả thuận chỉ có hiệu lực trong ngày và giá phải nằm trong biên độ dao động của hôm đó. Nhà đầu tư không được giao dịch thoả thuận trong ngày đầu tiên cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán.

Lệnh giao dịch thoả thuận không được phép huỷ. Trong thời gian giao dịch, nếu công ty chứng khoán nhập sai lệnh thoả thuận của nhà đầu tư thì được sửa nhưng phải xuất trình lệnh gốc và được đối tác, Sở Giao dịch chứng khoán chấp thuận.

Giá trị giao dịch thoả thuận không được sừ dụng để tính toán các chỉ số như VN-Index, HNX-Index, UPCoM-Index…

Khớp lệnh định kỳ chỉ áp dụng tại HoSE vào hai khung giờ: 9h-9h15 là phiên khớp lệnh định kỳ xác định giá mở cửa (ATO) và 14h30-14h45 là phiên khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng cửa. Nhà đầu tư không thể huỷ hay sửa lệnh trong hai khung giờ này.

Phương thức khớp lệnh định kỳ được thực hiện trên cơ sở so khớp các lệnh mua và bán tại một thời điểm xác định. Giá thực hiện là giá có khối lượng giao dịch lớn nhất. Nếu có nhiều mức giá thoả mãn tiêu chí này thì giá trùng hoặc gần với giá lần khớp lệnh gần nhất sẽ được chọn.

Phương thức này sẽ ưu tiên nhà đầu tư đặt lệnh mua giá cao hơn và lệnh bán giá thấp hơn được thực hiện trước. Trong trường hợp lệnh mua hoặc lệnh bán có cùng giá thì lệnh nào nhập vào hệ thống giao dịch trước sẽ được ưu tiên thực hiện.

Khớp lệnh liên tục được áp dụng tại HoSE từ 9h15-11h30 và 13h-14h30, tại HNX là 9h-11h30 và 13h-14h30 còn tại UPCoM là suốt phiên trừ giờ nghỉ trưa. Nhà đầu tư được huỷ, sửa lệnh trong thời gian khớp lệnh liên tục.

Khác biệt lớn nhất của phương thức này so với khớp lệnh định kỳ là sự tức thì, bởi nguyên tắc khớp lệnh liên tục là so khớp lệnh mua và bán ngay khi đưa vào hệ thống giao dịch thay vì cộng dồn và chờ đến một thời điểm nhất định. Các lệnh có mức giá tốt nhất (mua cao, bán thấp) được ưu tiên thực hiện trước. Nếu nhiều lệnh có cùng mức giá như nhau thì lệnh nào vào hệ thống trước sẽ được ưu tiên.

Các loại lệnh chứng khoán: ATO, ATC, LO, MP…

Nhà đầu tư phải chọn một trong các loại lệnh như LO, MP, ATO, ATC, PLO để đặt mua hoặc bán chứng khoán, tuỳ vào nhu cầu và thời gian giao dịch.

Lệnh giới hạn (LO) là lệnh mua hoặc bán chứng khoán tại một mức giá xác định hoặc tốt hơn. Đây là loại lệnh phổ biến, được nhà đầu tư sử dụng nhiều nhất. Lệnh được thực hiện suốt phiên, trừ giao dịch thoả thuận sau 14h45. Riêng sàn UPCoM thì lệnh này được thực hiện đến 15h.

Lệnh LO có hiệu lực từ khi được nhập vào hệ thống giao dịch cho đến khi kết thúc ngày giao dịch hoặc đến khi bị huỷ bỏ. Trong trường hợp nhà đầu tư đặt lệnh này trước phiên giao dịch hoặc trong giờ nghỉ trưa, hệ thống sẽ thông báo lệnh ở trạng thái “chờ gửi” và chỉ hiệu lực khi phiên giao dịch bắt đầu.

Lệnh thị trường (MP) trên sàn TP HCM là lệnh mua chứng khoán tại mức giá bán thấp nhất hoặc bán chứng khoán tại mức giá cao nhất đang có trên thị trường. Nói cách khác, đây là lệnh mà bên mua hoặc bán chậm nhất giao dịch với bất cứ giá nào.

Nếu chưa khớp hết khối lượng, lệnh MP được xem lệnh mua tại giá bán cao hơn hoặc bán tại giá mua thấp hơn tiếp theo đang có trên thị trường. Sau khi giao dịch theo nguyên tắc này mà vẫn chưa khớp toàn bộ khối lượng đặt lệnh thì lệnh MP được chuyển thành lệnh giới hạn. Trường hợp giá thực hiện cuối cùng là giá trần (đối với lệnh mua) hoặc giá sàn (đối với lệnh bán) thì lệnh MP trở thành lệnh LO mua tại giá trần hoặc lệnh LO bán tại giá sàn.

Lệnh MP chỉ được nhập vào hệ thống trong các phiên khớp lệnh liên tục. Trường hợp không có lệnh LO đối ứng tại thời điểm nhập lệnh thì lệnh MP bị huỷ bỏ.

Sàn chứng khoán Hà Nội diễn giải khái niệm lệnh thị trường tương tự sàn TP HCM, nhưng phân chia các loại lệnh có sự khác biệt. Theo đó, lệnh thị trường trên sàn này được chia thành 3 loại:

– Lệnh thị trường giới hạn (MTL): nếu không thực hiện được toàn bộ thì phần còn lại chuyển thành lệnh LO và áp dụng các quy định về sửa, huỷ đối với lệnh LO.

– Lệnh thị trường khớp toàn bộ hoặc huỷ (MOK), nếu không thực hiện được toàn bộ thì bị huỷ ngay sau khi nhập.

– Lệnh thị trường khớp và huỷ (MAK), tức có thể thực hiện toàn bộ hoặc một phần, phần còn lại sẽ bị huỷ ngay sau khi khớp lệnh.

Lệnh ATO là lệnh giao dịch tại giá khớp lệnh xác định giá mở cửa, chỉ áp dụng cho sàn chứng khoán TP HCM. Lệnh có thể được nhập vào hệ thống trước hoặc trong phiên khớp lệnh định kỳ xác định giá mở cửa. Sau 9h15, lệnh không được thực hiện hoặc phần còn lại của lệnh không khớp hết tự động bị huỷ.

Lệnh ATO được ưu tiên trước lệnh giới hạn khi so khớp lệnh. Tuy nhiên, phiên khớp lệnh định kỳ xác định giá mở cửa sẽ không xác định được giá khớp lệnh nếu chỉ có lệnh ATO.

Lệnh ATC có đặc tính tương tự lệnh ATO, nhưng để xác định giá đóng cửa vào 14h45. Lệnh ATC được sử dụng trên sàn TP HCM lẫn Hà Nội.

Lệnh khớp lệnh sau giờ (PLO) chỉ áp dụng cho sàn chứng khoán Hà Nội. Đây là lệnh mua hoặc bán chứng khoán tại mức giá đóng cửa sau khi kết thúc phiên ATC. Nhà đầu tư chỉ được nhập lệnh này vào hệ thốgn trong khoảng 14h45-15h, nếu có lệnh đối ứng chờ sẵn thì được khớp ngay. Các lệnh PLO không được thực hiện hoặc phần còn lại của lệnh không thực hiện hết tự động bị huỷ.

Trong trường hợp phiên khớp lệnh định kỳ không xác định được giá đóng cửa thì lệnh PLO cũng không được nhập vào hệ thống.

Lệnh điều kiện thực chất là một tính năng để nhà đầu tư mua bán linh hoạt, nhất là những nhà đầu tư không có nhiều thời gian theo dõi bảng điện tử. Lệnh điều kiện chi thành nhiều loại, cụ thể:

– Lệnh điều kiện với thời gian (TCO): nhà đầu tư có thể đặt lệnh trước phiên giao dịch từ một đến nhiều ngày với số lượng và mức giá xác định. Lệnh này có hiệu lực tối đa trong 30 ngày.

Việc đặt lệnh được thực hiện bất cứ lúc nào, sau đó lệnh nằm chờ trong hệ thống của công ty chứng khoán và chỉ được kích hoạt khi thoả mãn điều kiện chọn trước. Nhà đầu tư có thể chọn hình thức khớp lệnh là phát sinh một lần (đồng nghĩa sau khi được kích hoạt thì dù khớp hết, khớp một phần hay không khớp thì cũng bị huỷ bỏ) hoặc phát sinh cho tới khi khớp hết khối lượng.

– Lệnh tranh mua hoặc tranh bán (PRO): là lệnh nhà đầu tư sẵn sàng mua ở các giá ATO/trần/ATC và sẵn sàng bán ở các giá ATO/sàn/ATC. Lệnh có hiệu lực cho phiên giao dịch kế tiếp sau khi nhà đầu tư đặt và có thể đặt trước cho tối đa 30 ngày giao dịch kế tiếp.

– Lệnh dừng (ST): là lệnh để nhà đầu tư xác định trước giá cắt lỗ hoặc chốt lãi trong tương lai. Lệnh này có hiệu lực ngay khi nhà đầu tư đặt và kéo dài trong 30 ngày.

– Lệnh xu hướng (TS): nhà đầu tư sẽ chọn mã chứng khoán và khối lượng muốn giao dịch, cộng thêm khoảng dừng theo giá trị tuyệt đối (nghìn đồng) hoặc giá trị tuơng đối (%). Bên cạnh đó, nhà đầu tư có thể thiết lập thêm giá mua thấp nhất hoặc bán cao nhất. Khi giá chứng khoán chạm đến khoảng dừng hoặc giá thì lệnh sẽ được kích hoạt. Tương tự các lệnh điều kiện khác, lệnh xu hướng có hiệu lực tối đa 30 ngày.

Lô giao dịch chứng khoán và hướng xử lý lô lẻ

Lô giao dịch đối với giao dịch khớp lệnh là số lượng cổ phiếu tối thiểu cho mỗi lệnh đưa vào thị trường.

Từ đầu năm 2021, lô giao dịch trên cả ba sàn HoSE, HNX và UPCoM được đồng bộ là 100 đơn vị, nghĩa là nhà đầu tư giao dịch khớp lệnh với số lượng ít nhất 100 cổ phiếu và phải là bội số của 100.

Giao dịch số cổ phiếu từ 1 đến 99 cổ phiếu được xếp vào diện giao dịch lô lẻ. Lô lẻ thường phát sinh do việc trả cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu thưởng, tách cổ phiếu hoặc thực hiện quyền mua cổ phiếu.

Với giao dịch cổ phiếu lô lẻ trên sàn HoSE, nhà đầu tư có thể đặt bán trực tiếp trên bảng giá công ty chứng khoán (chọn phần giao dịch lô lẻ) nếu công ty chứng khoán cung cấp tính năng này.

Hoặc, khách hàng có thể bán lại cho công ty chứng khoán bằng cách ký vào hợp đồng mua bán chứng khoán lô lẻ và gửi cho họ. Sau khi có chứng từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), công ty chứng khoán sẽ hạch toán rút cổ phiếu lô lẻ khách hàng đã bán và ghi có số tiền tương ứng vào tài khoản giao dịch của nhà đầu tư.

Giá bán cổ phiếu lô lẻ bằng 90% giá tham chiếu tại ngày ký hợp đồng hoặc là giá sàn ngày giao dịch, tuỳ thuộc quy định của từng công ty chứng khoán).

Với giao dịch cổ phiếu lô lẻ trên sàn HNX và UpCoM, nhà đầu tư có thể đặt lệnh bán bằng một trong các cách, bán lô lẻ online trên ứng dụng của công ty chứng khoán, đặt lệnh qua nhân viên quản lý tài khoản hoặc đặt lệnh qua tổng đài, hoặc tới trực tiếp công ty chứng khoán.

Lệnh giao dịch lô lẻ sau khi khớp cũng được thanh toán bù trừ như lệnh giao dịch bình thường. Giá bán phù thuộc và giá chờ mua đối ứng trên HNX hoặc UpCoM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *